Lịch sử Suzucho_Karatedo

Thành lập

Võ sư Suzuki Choji lúc đó là một người lính Nhật Bản, sau khi Chiến Tranh Thế Giới Lâ`n Thứ Hai chấm dứt, ông đã vì tình yêu với bà Nguyễn Thị Minh Lệ nên đã ở lại Việt Nam lấy tên Việt Nam là Phan Văn Phúc[4]. Sau Hiệp Định Genève, chia đôi lãnh thổ Việt Nam, võ sư cùng phu nhân là Nguyễn Thị Minh Lệ, chuyển về định cư tại Đà Nẵng. Một thời gian sau, võ sư về sống tại Huế. Tại đây, ông thành lập Đạo đường Karatedo đầu tiên ở chính ngôi nhà của mình, tại số 8 Võ Tánh, Huế. Thời gian này chính quyền chưa cấp phép dạy võ, nhưng võ sư cũng đã đào tạo và truyền thụ cho vài học trò tâm huyết. Đạo đường số 8 Võ Tánh ghi nhận công sức tập luyện của những cao đồ của thầy Suzuki như Nguyễn Nhuận, Ngô ĐồngHạ Quốc Huy, Nguyễn Xuân Dũng, Khương Công Thêm, Võ Đại Vạn, Hoàng Như Bôn, Lê Văn Thạnh, , Vĩnh Tung, Bảo Trai, Trương Đình Hùng, Nguyễn Văn Dũng, Trương Dẫn,...

Sau ngày 01 tháng 11 năm 1963, Nha Thanh niên Trung nguyên Trung phần đã cấp giấy phép chính thức mở võ đường Hệ phái Suzucho Karatedo[5] (Linh Trường Không Thủ Đạo phái) tại ngôi nhà của võ sư, nơi khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển hệ phái Suzucho Karatedo sau này. Võ đường bắt đầu được quyền thu nhận võ sinh mới. Võ sư trở thành Chưởng môn đời thứ nhất của hệ phái Suzucho Karatedo.

Trong thời gian này, một số cao đồ của võ sư đã xin mở một số lớp võ ở các trường đại học, cao đẳng, trung học lân cận. Huế trở thành nơi có phong trào Karatedo phát triển mạnh nhất và được coi như cái nôi của Karatedo Việt Nam[6].

Phát triển

Năm 1964, võ sư Suzuki Choji mở khóa đào tạo đặc biệt mang tên Bodankumi[7] và chỉ gồm duy nhất 7 người, giờ tập được nâng lên gấp đôi bình thường với mục đích truyền tải tất cả tinh hoa võ học Karate nhằm xây dựng thế hệ huấn luyện viên chủ chốt cho tương lai. Cuối cùng, do nhiều điều kiện khách quan, chỉ còn duy nhất cao đồ Lê Văn Thạnh tiếp nối được bước đi của thầy.

Tháng 3 năm 1973, võ sư Suzuki trao lại quyền quản lý Đạo đường số 8 Võ Tánh, Huế cho cao đồ là võ sư Lê Văn Thạnh, còn võ sư đi phát triển Karatedo tại Đà Nẵng và các tỉnh thành khác.Trong khi đó Võ sư Nguyễn Xuân Dũng mở võ đường Champion ở đuong Trần Hưng Đạo Saigon, và võ sư Võ Đại Vạn mở võ đường Chính Đúc ở Gia Định.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các sinh hoạt võ thuật của Miền Nam Việt Nam bị cấm chỉ, võ đường Suzucho không còn hoạt động nữa. Võ sư cùng gia đình chuyển vào Thành phố Sài Gòn sinh sống cho đến khi hồi hương về Nhật Bản năm 1978. Trong thời gian này, các môn đồ Suzucho vì nhiều lý do nên mỗi người một phương. Tuy nhiên ở Huế vẫn còn tập trung nhiều môn đồ. Trưởng tràng đương nhiệm Lê Văn Thạnh đã vừa tập trung phát triển môn võ tại Huế, vừa đi các tỉnh, thành khác để vận động, động viên những môn đồ của thầy Suzuki cố gắng sinh hoạt, phát triển Karatedo tại địa bàn mình cư trú, làm việc.

Từ năm 1978 trở đi, các cao đồ của thầy Suzuki lần lượt đi phát triển phong trào Karatedo ở các địa phương, tỉnh thành. Võ sư Lê Văn Thạnh thành lập võ đường Bodankumi tại số 118 Chi Lăng, Huế năm 1978. Tại đây, ông đã đào tạo được nhiều môn đồ của Hệ phái, trong đó có những người đã là huấn luyện viên của đội tuyển Karatedo Quốc gia và rất nhiều người là trưởng bộ môn Suzucho Karatedo của các tỉnh, thành, ngành. Võ sư Nguyễn Văn Dũng thành lập phân đường Nghĩa Dũng Karatedo đặt tại số 8 Trương Định, Huế cũng vào năm 1978, là một trong bốn phân đường lớn của Suzucho Karatedo sau này. Võ sư Khương Công Thêm phát triển Karatedo Long An. Võ sư Ngô Đồng phát triển Cương Nhu Karatedo. Võ sư Hạ Quốc Huy tham gia phát triển Karatedo Đà Nẵng, sau đó thành lập phái Quyền Đạo Việt Nam tại Mỹ. Võ sư Trương Đình Hùng thành lập Đạo đường Choju (Đồng Nai) (1981)....

Năm 1985, chính phủ Việt Nam cho phép võ thuật được hoạt động trên cả nước, được tham gia những giải đấu võ thuật lớn của thế giới[8]. Suzucho Karatedo bắt đầu được phổ biến rộng rãi ở trong nước và cả nước ngoài. Những học trò của thầy Suzuki như Hạ Quốc Huy, Henry Lam... đã mang môn võ của thầy mình ra nước ngoài và thành lập những võ đường ở Mỹ, Canada v.v. Năm 1984, ông Hoàng Vĩnh Giang lúc đó với tư cách là Phó giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội đã có thư mời Võ sư Lê Văn Thạnh, lúc đó đang là Trưởng tràng hệ phái, ra giúp cho Hà Nội phát triển môn võ này. Vào thời gian này, ông đã hỗ trợ huấn luyện cho gần 10 người, trong đó có những người sau này làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia như Đoàn Đình Long, Lê Công. Trong thời gian đó ông vẫn thỉnh thoảng ra vào các tỉnh miền trung và miền nam như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai để tiếp nối bước Thầy mình giúp phát triển các võ đường Suzucho Karatedo. Võ sư Đoàn Đình Long sau này tách khỏi hệ phái Suzucho Karatedo và thành lập hệ phái Đoàn Long Karatedo.

Năm 1992, đội tuyển Karatedo Việt Nam được thành lập. Từ đó đến nay, đội tuyển ghi nhận công sức đóng góp rất lớn của các huấn luyện viên thuộc hệ phái Suzucho Karatedo.

Qua hàng chục năm hình thành và phát triển, đến nay, các thế hệ học trò của các cao đồ đi trước đã xây dựng được các bộ môn Suzucho Karatedo ở 40 phân đường chi nhánh ở các tỉnh, thành, ngành trong nước, và 10 phân đường chi nhánh ở nước ngoài.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Suzucho_Karatedo http://www.facebook.com/note.php?note_id=565822837... http://www.karatedovn.com http://suzuchokaratedo.com http://suzuchokaratedo.com/modules.php?name=News&o... http://suzuchokaratedo.com/modules.php?name=News&o... http://karateud.net/ http://www.nghiadungkarate.com.vn/?cat_id=2&topic_... http://www.tdtt.gov.vn/tabid/69/ArticleID/3249/Def... https://web.archive.org/web/20110524030256/http://... https://web.archive.org/web/20121225055907/http://...